Ghi công Hùng_Lộc

Năm 2002, chuẩn bị kỷ niệm 350 năm (1653-2003) vùng đất Khánh Hòa về với Đại Việt, tỉnh Khánh Hòa cử đoàn đại biểu là các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa ra gặp lãnh đạo Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Bình để về Trường Dục (xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh) tìm hiểu quê hương bản quán của Trương Phúc Hùng, và đến viếng mộ ông. Ở Khánh Hòa, có tài liệu chép: Mộ chí tướng Trương Phúc Hùng an táng tại đồi Cây Kéc, xã Trường Dục, huyện Khang Lộc (nay là huyện Quảng Ninh).

Ngôi mộ tọa lạc tại Đại Cồn - Lưu Hoang xứ, ở địa thế cao so với trong vùng, nay cạnh nghĩa trang liệt sĩ Xuân - Hiền. Mộ đắp bằng đất ba bậc hạ - trung - thượng trên diện tích 300m2. Ba mặt đông - tây - bắc có cây bảo vệ. Tây bắc mộ trước đây có cây bùi cao to, đường kính thân cây khoảng 0,6m. Mặt trước hướng nam mộ, làng dành bãi đất 1 sào Bắc Bộ (360m2) đất công thổ, để hàng năm, ngay dãy mộ lấy đất đắp bồi cho nền nấm mộ. Dân trong vùng thường gọi tên ngôi mộ là mộ Đại tướng.

Trước khi đoàn nghiên cứu lịch sử, văn hóa Khánh Hòa đến và cung cấp sử liệu thì dân địa phương chưa hiểu mộ Đại tướng là của ai. Vì chưa tìm được sách nào ghi cụ thể về tên vị Đại tướng ở ngôi mộ này nên các thế hệ trước trong làng không truyền tên mà chỉ gọi là mộ Đại tướng. Gia phả các họ trong làng bị mất nên từ ba vị tổ của ba họ Trương, Lê, Hoàng, các chi phái lập thành nhiều họ riêng. Dân làng rước bài vị Đại tướng vào thờ cùng các vị Thành hoàng làng ở ba miếu với sự tri ân như một vị phúc thần.

Theo những người am tường phong thủy cho biết, địa huyệt tại mộ Đại tướng là ứng với lời đoán định trong sách phong thủy và sấm ký:

“Lô đồng nhất huyệt công khanh

Tại diêm lư hạ, đời đời bất diệt”